Tuesday, May 24, 2016

Câu 1: Các vấn đề cơ bản về kinh tế thị trường



Câu 1: Các vấn đề cơ bản về kinh tế thị trường


1.1. Khái niệm
         Kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, ở đó thị trường quyết định về sản xuất và phân phối.
         Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế mà trong đó người tiêu dùng và các nhà sản xuất - kinh doanh tác động lẫn nhau thông qua thị trường để xác định những vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế: sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai? Trong nền kinh tế thị trường, thị trường quyết định phân phối tài nguyên cho nền sản xuất xã hội.
         Nói một cách đầy đủ hơn, kinh tế thị trường là phương thức vận hành kinh tế lấy thị trường làm người phân phối tài nguyên, lấy lợi ích vật chất, cung cầu thị trường và mua bán giữa người mua và người bán làm cơ chế khuyến khích vận động kinh tế, và phương thức vận hành kinh tế - xã hội, phát huy tác dụng điều tiết hoạt động kinh tế.

1.2. Những đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường
         Một là, quá trình lưu thông sản phẩm vật chất và phi vật chất từ sản xuất đến tiêu dùng phải được thực hiện chủ yếu bằng phương thức mua - bán trên thị trường, chịu sự điều tiết của cơ chế thị trường. Thị trường có tác dụng làm cơ sở cho việc phân phối tài nguyên. Sở dĩ có sự luân chuyển vật chất trong nền kinh tế là do có sự phân công chuyên môn hoá việc sản xuất sản phẩm xã hội ngày càng cao. Cho nên sản phẩm trước khi trở thành hữu ích trong đời sống xã hội cần được hoàn thiện qua nhiều khâu sản xuất khác nhau. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp, những ngành, những vùng sản xuất dư thừa sản phẩm này nhưng lại thiếu sản phẩm khác, do đó giữa chúng cần có sự trao đổi cho nhau.
         Hai là, người sản xuất và trao đổi hàng hoá được tự do khi tham gia vào thị trường. Tự do lựa chọn là thuộc tính vốn có của kinh tế thị trường, không chỉ trong lưu thông mà cả trong sản xuất và tiêu dùng. Đó là sự khác biệt so với nền kinh tế chỉ huy, trong đó mọi việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng đều phải tuân thủ kế hoạch của Nhà nước. Sự tự do đó được thể hiện trên các mặt:
         - tự do lựa chọn nội dung sản xuất và trao đổi;
         - tự do lựa chọn đối tác trao đổi;
         - tự do thoả thuận giá cả trao đổi theo cách thuận mua vừa bán;
         - tự do canh tranh.
         Ba là, hoạt động mua bán được thực hiện thường xuyên, rộng khắp trên cơ sở một kết cấu hạ tầng tối thiểu, đủ để việc mua bán diễn ra thuận lợi, an toàn với một hệ thống thị trường ngày càng đầy đủ, trở thành đầu mối của sự hoạt động qua lại của nền kinh tế - xã hội.
         Bốn là, các đối tác hoạt động trong nền kinh tế thị trường đều theo đuổi lợi ích riêng của mình. Lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp của sự phát triển kinh tế.
         Năm là, tự do cạnh tranh là thuộc tính của nền kinh tế thị trường, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm  hàng hoá và dịch vụ, có lợi
cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
         Sáu là, sự vận động của các quy luật khách quan của kinh tế thị trường tác động vào hành vi, thái độ ứng xử của các chủ thể tham gia thị trường, nhờ đó hình thành một trật tự nhất định của thị trường từ sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng.
         Những đặc trưng trên đây được coi là đặc trưng chung cho bất cứ loại hình kinh tế thị trường nào. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sức sản xuất trong từng quốc gia và sự hội nhập kinh tế mang tính toàn cầu đã tạo điều kiện và khả năng vô cùng to lớn để phát triển nền kinh tế thị trường đạt đến trình độ cao: nền kinh tế thị trường hiện đại.
Kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế có đầy đủ các đặc trưng của nền kinh tế thị trường như đã nêu ở trên, đồng thời nó còn có các đặc trưng sau:
         - Một là, đã có sự xích lại gần nhau giữa các mục tiêu kinh tế và các mục tiêu xã hội;
        - Hai là, có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước dựa vào quy luật vận hành của kinh tế thị trường, thực hiện việc điều chỉnh và khống chế vĩ mô cần thiết, hữu hiệu, hướng dẫn sự phát triển của kinh tế thị trường. Đặc trưng này được hình thành ở các nền kinh tế thị trường trong vài thập kỷ gần đây do nhu cầu của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và do đòi hỏi của chính sự phát triển của kinh tế thị trường;
        - Ba là, có sự chi phối mạnh mẽ của sự phân công và hợp tác quốc tế, tạo ra một nền Kinh tế thị trường mang tính quốc tế, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, động và mở, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, tốc độ ngày càng tăng làm cho nền kinh tế thế giới càng trở nên một chỉnh thể thống nhất, trong đó mỗi quốc gia vừa là một bộ phận gắn bó hữu cơ với các bộ phận khác, vừa độc lập, vừa phụ thuộc, vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

1.3. Các loại kinh tế thị trường
Tuỳ theo cách tiếp cận, người ta có thể phân loại kinh tế thị trường theo các tiêu chí sau:
- Theo trình độ phát triển
         + nền kinh tế hàng hoá giản đơn (kinh tế thị trường phát triển ở trình độ thấp);
         + nền kinh tế thị trường hiện đại;
- Theo hình thức hàng hoá
         + nền kinh tế thị trường với hàng hoá truyền thống: thị trường lương thực, sắt, thắp, xăng, dầu...;
         + nền kinh tế thị trường với hàng hoá hiện đại: thị trường vốn, thị trường sức lao động, thị trường công nghệ;
- Theo mức độ tự do
         + nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh;
         + nền kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước;
         + nên kinh tế thị trường hỗn hợp: kết hợp sự điều tiết của Nhà nước với sự điều tiết của “Bàn tay vô hình” là cơ chế thị trường.
- Theo mức độ nhân văn, nhân đạo của nền kinh tế
         + nền kinh tế thị trường thuần tuý kinh tế;
         + nền kinh tế thị trường xã hội.

1.4. Điều kiện ra đời của kinh tế thị trường
- Sự phân công lao động xã hội
         Phân công lao động xã hội là cơ sở tất yếu của nền sản xuất hàng hoá vẫn tồn tại và ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu ở nước ta hiện nay. Sự phát triển của phân công lao động xã hội thể hiện ở chỗ các ngành nghề ở nước ta ngày càng phong phú, đa dạng, chuyên môn hoá sâu. Điều đó đã góp phần phá vỡ tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế tự nhiên trước đây và thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển mạnh mẽ hơn.
         Phân công lao động xã hội là cơ sở và là động lực để nâng cao năng suất lao động xã hội, nghĩa là làm cho nền kinh tế ngày càng có nhiều sản phẩm thặng dư dùng để trao đổi, mua bán. Do đó, làm cho trao đổi, mau bán hàng hoá trên thị trường càng phát triển hơn.
         - Sự tồn tại và phát triển của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau tạo nên sự tách biệt kinh tế giữa các chủ thể kinh tế độc lập. Thật vậy, một khi còn tồn tại nhiều dạng sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và về sản phẩm lao động sẽ tạo nên sự độc lập về kinh tế của những ngành chủ sở hữu khác nhau đó. Do đó, các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế khi cần sản phẩm của nhau tất yếu phải thông qua con đường thoả thuận, trao đổi, mua bán.

1.5. Những ưu thế của kinh tế thị trường
         Một là, tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao và thông qua phá sản tạo ra cơ chế đào thải các doanh nghiệp yếu kém, sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả.
         Hai là, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng của xã hội. Do lợi ích kinh tế, các doanh nghiệp tìm mọi cách huy động các tiềm năng về tự nhiên và kinh tế trong xã hội, tính toán và cân nhắc tìm mọi cách để sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất.
         Ba là, tạo ra tính phản ứng nhanh nhạy và thích ứng cao của các doanh nghiệp trước các thay đổi đối với nhu cầu và các điều kiện kinh tế trong nước và quốc tế.
         Bốn là, buộc các doanh nghiệp phải thường xuyên học hỏi, trau dồi, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao.
         Năm là, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, làm cho nền kinh tế phát triển và đạt hiệu quả ngày càng cao.
         Sáu là, đáp ứng các nhu cầu có thể thanh toán được của xã hội một cách tự động mà không có bộ máy hoạch định nào có thể thay thế được.

1.6. Những khuyết tật của kinh tế thị trường
         Một là, nền kinh tế thị trường còn có nhiều hạn chế bởi tính tự phát trong quyết định sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó tác động tiêu cực đến tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân, gây ra tình trạng mất cân đối của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh chồng chéo, cản trở hoặc triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và đem lại nhiều thiệt hại cho xã hội và cho bản thân doanh nghiệp.
         Hai là, sự phát triển của nền kinh tế thị trường có những biến động rất bất thường (gọi là sự vận động có tính chu kỳ), gây thiệt hại và bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế.
         Ba là, nền kinh tế thị trường gắn với tình trạng thất nghiệp và sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, giữa các vùng trong nước.
         Bốn là, do theo đuổi mục tiêu tối đa hoá lợi nhuân, nhiều trường hợp các nhà kinh doanh có những hành vi kinh tế tiêu cực, gây thiệt hại cho thị trường, cho nền kinh tế, cho xã hội.
Năm là, sự hoạt động của kinh tế thị trường có nguy cơ dẫn đến làm xói món giá trị đạo đức và đời sống tinh thần, vi phạm pháp luật, phá huỷ môi trường sinh thái, môi trường văn hoá - xã hội.
 

No comments:

Post a Comment