Tuesday, May 24, 2016

Câu 6: Các nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế



Câu 6: Các nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế


Các nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế là các nguyên tắc chỉ đạo, các tiêu chuẩn hành vi mà các cơ quan quản lý nhà nước phải tuân thủ trong quá trình quán lý kinh tế.

Các nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế do con người đặt ra nhưng không phải do ý muốn chủ quan mà dựa trên các yêu cầu khách quan của các quy luật chi phối quá trình quản lý kinh tế. Đồng thời, các nguyên tắc này phải phù hợp với mục tiêu của quản lý; phải phản ánh đúng tính chất các quan hệ kinh tế; phải đảm bảo tính hệ thống, tính nhất quán và phải được bảo đảm bằng pháp luật

1.1. Nguyên tắc tập trung dân chủ
1.1.1. Khái niệm
Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa hai mặt tập trung và dân chủ trong mối quan hệ hữu cơ biện chứng chứ không phải chỉ là tập trung hoặc chỉ là dân chủ. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung; cũng như tập trung là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện. Hay nói cách khác, tập trung phải trên cơ sở dân chủ; dân chủ phải trong khuôn khổ tập trung.
Nguyên tắc tập trung dân chủ được đặt ra xuất phát từ lý do sau đây: hoạt động kinh tế là việc của công dân, nên công dân phải có quyền (đó là dân chủ); đồng thời, trong một chừng mực nhất định, hoạt động kinh tế của công dân có ảnh hưởng rõ rệt tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, dó đó Nhà nước cũng phải có quyền (đó là tập trung).

1.1.2. Hướng vận dụng nguyên tắc
Bảo đảm cho cả Nhà nước và công dân, cho cả cấp trên và cấp dưới, tập thể và thành viên tập thể đều có quyền quyết định, không thể chỉ Nhà nước hoặc công dân, chỉ cấp trên hoặc chỉ cấp dưới có quyền. Có nghĩa là vừa phải tập trung, vừa phải dân chủ.
Quyền của mỗi bên phải được xác lập một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn. Có nghĩa là phải xuất phát từ yêu cầu và khả năng làm chủ của mỗi chủ thể.
Trong mỗi cấp của hệ thống quản lý nhiều cấp của Nhà nước, phải bảo đảm vừa có cơ quan có thẩm quyền chung vừa có cơ quan có thẩm quyền riêng. Mỗi cơ quan phải có thẩm quyền rõ rệt, phạm vi thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền riêng phải trong khuôn khổ thẩm quyền chung. Trong cơ quan có thẩm quyền chung, mỗi uỷ viên phải được giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề, có trách nhiệm phát biểu sâu sắc về vấn đề đó, đồng thời tập thể được trao đổi, bổ sung và biểu quyết theo đa số.
Tập trung quan liêu vào cấp trên, vào trung ương hoặc phân tán, phép vua thua lệ làng, chuyên quyền, độc đoán của Nhà nước đến mức vi phạm nhân quyền, dân quyền hoặc dân chủ quá trớn trong hoạt động kinh tế đều trái với nguyên tắc tập trung dân chủ. Khuynh hướng phân tách, tự do vô tổ chức của nền sản xuất nhỏ, đang là cản trở nguy hại và phổ biến hiện nay.

1.2. Nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước theo ngành và theo lãnh thổ
1.2.1 Quản lý nhà nước theo ngành
* Khái niệm
Quản lý theo ngành là việc quản lý về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của Bộ quản lý ngành ở trung ương đối với tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc ngành trong phạm vi cả nước.

* Sự cần thiết phải quản lý theo ngành
Các đơn vị sản xuất trong cùng một ngành có rất nhiều mối liên hệ với nhau. Chẳng hạn, mối liên hệ về sản phẩm sản xuất ra; mối liên hệ về việc hỗ trợ và hợp tác. Để các mối liên hệ này bền chặt và có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành cũng như của toàn bộ nên kinh tế; việc quản lý theo ngành thật sự là cần thiết khách quan.

* Nội dung của quản lý nhà nước theo ngành
- Xây dựng và triển khai thực hiện pháp luật, chủ trương chính sách phát triển kinh tế toàn ngành;
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế toàn ngành;
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực, nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, khoa học - kỹ thuật - công nghệ.cho toàn ngành;
- Xây dựng và triển khai thực hiện quan hệ tài chính giữa các đơn vị kinh tế trong ngành theo ngân sách nhà nước;
- Thống nhất trong toàn ngành và liên ngành về tiêu chuẩn hoá quy cách, chất lượng sản phẩm; từ đó hình thành tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm;
- Thực hiện các chính sách, biện pháp phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chung cho toàn ngành, thực hiện sự bảo hộ sản xuất của ngành nội địa trong những trường hợp cần thiết;
- Áp dụng các hình thức tổ chức sản xuất khoa học và hợp lý;
- Thanh tra và kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế trong ngành. Định hướng đầu tư xây dựng lực lượng của ngành, chống sự mất cân đối trong cơ cấu ngành và vị trí ngành trong cơ cấu chung của nền KTQD;
- Tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, pháp quye, thể chế kinh tế theo chuyên môn của mình để cùng với các cơ quan chuyên môn khác hình thành hệ thống văn bản pháp luật quản lý ngành.

1.2.2. Quản lý nhà nước theo lãnh thổ
* Khái niệm
Quản lý nhà nước về kinh tế theo lãnh thổ là việc tổ chức, điều hoà, phối hợp hoạt động của tất cả các đơn vị kinh tế trên địa bàn lãnh thổ (ở nước ta, chủ yếu là theo lãnh thổ của các đơn vị hành chính).

* Sự cần thiết phải thực hiện quản lý nhà nước theo lãnh thổ
Các đơn vị kinh tế trên cũng địa bàn lãnh thổ (có thể cùng ngành hoặc không cùng ngành) có nhiều mối quan hệ. Có thể kể đến các mối quan hệ chủ yếu sau:
- Mối quan hệ về cung cấp và tiêu thụ sản phẩm của nhau;
- Sự hợp tác liên kết với nhau trong việc khai thác sử dụng các nguồn lực trên địa bàn lãnh thổ.
Chính vì tồn tại các mối quan hệ này nên đòi hỏi phải có sự tổ chức, điều hoà và phối hợp hoạt động của chúng để đảm bảo một cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ hợp lý và hoạt động kinh tế trên lãnh thổ có hiệu quả.

* Nội dung quản lý nhà nước theo lãnh thổ
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ (không phân biệt kinh tế trung ương, kinh tế địa phương, các thành phần kinh tế) nhằm xây dựng một cơ cấu kinh tế lãn thổ hợp lý và có hiệu quả;
- Điều hoà, phối hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các đơn vị kinh tế trên lãnh thổ nhằm tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực sẵn có ở địa phương;
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của từng vũng lãnh thổ, bao gồm: hệ thống giao thông vận tải, cung ứng điện năng, cấp thoát nước, đường xá, cầu cống, thông tin liên lạc. để phục vụ chung cho cả cộng đồng kinh tế trên lãnh thổ;
- Thực hiện công tác thăm dò, đánh giá tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn lãnh thổ;
- Thực hiện sự phân bố các cơ sở sản xuất trên địa bàn lãnh thổ một cách hợp lý và phù hợp với lợi ích quốc gia;
- Quản lý, kiểm soát việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia trên địa bàn lãnh thổ;
- Quản lý, kiểm soát việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn lãnh thổ

1.2.3. Kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ
* Khái niệm
Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Cả hai chiều quản lý đều phải có trách nhiệm chung trong việc thực hiện mục tiêu của ngành cũng như của lãnh thổ. Sự kết hợp này sẽ tránh được tư tưởng bản vị của Bộ, ngành, trung ương và tư tưởng cục bộ địa phương của chính quyền địa phương. Theo đó Bộ chỉ quan tâm đến lợi ích của các đơn vị kinh tế do mình thành lập và UBND địa phương chỉ quan tâm đến lợi ích của các đơn vị kinh tế địa phương. Từ đó dẫn đến tình trạng tranh chấp, không có sự liên kết giữa các đơn vị kinh tế trên cùng một địa bàn lãnh thổ, do đó hiệu quả kinh tế thấp.

* Nội dung kết hợp
- Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý đồng thời theo cả hai chiều: theo ngành và theo lãnh thổ. Có nghĩa là các đơn vị đó phải chịu sự quản lý của ngành (Bộ) đồng thời nó cũng chịu sự quản lý lãnh thổ của chính quyền địa phương trong một số nội dung theo chế độ quy định;
- Các cơ quan quản lý phải được phân công quản lý rành mạch theo ngành và theo lãnh thổ, không trùng lặp, không bỏ sót về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn;
- Các cơ quan quản lý nhà nước theo mỗi chiều thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý theo thẩm quyền của mình trên cơ sở đồng quản, hiệp quản, tham quản với cơ quan thuộc chiều kia theo quy định cụ thể của Nhà nước.

1.3. Nguyên tắc phân định và kết hợp quản lý nhà nước về kinh tế với quản lý sản xuất kinh doanh
1.3.1. Sự cần thiết của việc phân biệt quản lý nhà nước về kinh tế với quản lý sản xuất kinh doanh
Quản lý nhà nước về kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh là hai phạm trù, hai mặt khác nhau của quá trình quản lý, cần có sự phân biệt vì những lý do sau:
- Một là, trước thời kỳ đổi mới, trong cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung đã từng không có sự phân biệt giữa hai loại quản lý nói trên. Điều này thể hiện ở việc Nhà nước can thiệp một cách toàn diện, triệt để và sâu rộng vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời các don lại được giao cho thực hiện một số chức năng vượt quá khả năng và tầm kiểm soát của mình. Đó là chế độ quản lý tập trung quan liêu, can thiệp quá sâu vào nội bộ doanh nghiệp;
- Hai là, việc phân biệt quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh cho phép định rõ được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. Chỉ khi đó, mọi sai lầm trong quản lý dẫn đến tổn thất tài sản quốc gia, lợi ích của nhân dân sẽ được tìm nguyên nhân, thủ phạm. Không ai có thể trốn tránh trách nhiệm.
- Ba là, trong điều kiện nền kinh tế tồn tại nhiều hình thức sở hữu, việc không phân biệt quản lý nhà nước với quản lý sản xuất là vi phạm tính tự do kinh doanh và sự chịu trách nhiệm của các đơn vị kinh tế trong nền kinh tế thị trường và trong khuôn khổ pháp luật, làm thui chột tính năng động và sáng tạo của giới kinh doanh và hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh.

1.3.2 Nội dung cần phân biệt giữa quản lý nhà nước về kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh
- Về chủ thể quản lý: chủ thể quản lý nhà nước về kinh tế là các cơ quan nhà nước, còn chủ thể quản lý sản xuất kinh doanh là các chủ các doanh nghiệp;
- Về phạm vi quản lý: Nhà nước quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân, quản lý tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên tất cả các lĩnh vực thuộc tất cả các ngành; còn các chủ doanh nghiệp chỉ quản lý doanh nghiệp của mình. quản lý nhà nước về kinh tế là quản lý vĩ mô còn quản lý sản xuất kinh doanh là quản lý vi mô;
- Về mục tiêu quản lý: quản lý nhà nước theo đuổi lợi ích toàn dân, lợi ích cộng đồng; còn quản lý sản xuất kinh doanh theo đuổi mục tiêu cá nhân của chủ doanh nghiệp (thu được lợi nhuận cao, tăng thị phần, tạo uy tín, ổn định và phát triển doanh nghiệp.);
- Về phương pháp quản lý: Nhà nước áp dụng tổng hợp các phương pháp quản lý (hành chính, kinh tế, giáo dục), trong đó phương pháp đặc trưng là sử dụng cưỡng chế bằng quyền lực. Trong khi đó, doanh nghiệp chủ yếu áp dụng phương pháp kinh tế và giáo dục thuyết phục;
- về công cụ quản lý: công cụ chủ yếu của quản lý nhà nước là đường lối, chiến lược, kế hoạch phát triển, pháp luật kinh tế, chính sách kinh tế. Các doanh nghiệp sử dụng các công cụ quản lý chủ yếu là: chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính, dự án đầu tư để phát triển kinh doanh, các hợp đồng kinh tế, các quy trình công nghệ.

1.4. Nguyên tắc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý nhà nước về kinh tế
1.4.1. Sự cần thiết của nguyên tắc này
Một trong những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là có nhiều hình thức sở hữu, từ đó xuất hiện loại hình kinh tế thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản tư nhân.. Chính điều này đòi hỏi Nhà nước phải quản lý nền kinh tế quốc dân bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt coi trọng phương pháp quản lý bằng pháp luật.
Thực tiễn quản lý nhà nước đối với nền kinh tế ở nước ta trong những năm qua cho thấy, tình trạng buông lỏng kỷ luật, kỷ cương, sự hữu khuynh trong việc thực hiện chức năng tổ chức, giáo dục, xem nhẹ pháp chế trong hoạt động kinh tế. đã làm cho trật tự kinh tế của nước ta có nhiều rối loạn, gây ra những tổn thất không nhỏ cho đất nước, đồng thời làm giảm sút nghiêm trọng uy tín và làm lu mờ quyền lực của Nhà nước.
Vì vậy, việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu khách quan của quá trình quản lý nhà nước về kinh tế.

1.4.2. Yêu cầu của việc thực hiện nguyên tắc trên
Để thực hiện nguyên tắc trên, cần phải tăng cường công tác lập pháp và tư pháp.
- về lập pháp, phải từng bước đưa mọi quan hệ kinh tế vào khuôn khổ pháp luật. Các đạo luật phải được xây dựng đầy đủ, đồng bộ, có chế tài rõ ràng, chính xác và đúng mức;
- về tư pháp, mọi việc phải được thực hiện nghiêm minh (từ khâu giám sát, phát hiện, điều tra, công tố đến khâu xét xử, thi hành án.); không để xảy ra tình trạng có tội không bắt, bắt rồi không xét xử hoặc xét xử quá nhẹ, xử rồi không thi hành án hoặc thi hành án nửa vời.

No comments:

Post a Comment