Tuesday, May 24, 2016

Câu 12: Các vấn đề về tài chính công



Câu 12: Các vấn đề về tài chính công

1.1. Khái niệm tài chính công
Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành. Nó phản ánh các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ công nhằm phục vụ việc thực hiện các chức năng của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội.
Tài chính công là một phạm trù kinh tế gắn với thu nhập và chi tiêu của Nhà nước. Tài chính công vừa là nguồn lực để Nhà nước thực hiện các chức năng vốn có của mình, vừa là công cụ để Nhà nước chi phối, điều chỉnh các hoạt động khác của xã hội. Tài chính công là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

1.2. Đặc trưng (đặc điểm, bản chất) của tài chính công
- Về sở hữu: các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ trong tài chính công thuộc sở hữu công cộng, sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện;
- Về mục đích: các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ trong tài chính công được sử dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội, của toàn quốc, của cả cộng đồng, vì các mục tiêu kinh tế vĩ mô, không vì mục tiêu lợi nhuận;
- Về chủ thể: các hoạt động thu, chi bằng tiền trong tài chính công do các chủ thể công tiến hành. Các chủ thể công ở đây là Nhà nước hoặc các cơ quan, tổ chức của Nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thu, chi đó;
- Về mặt pháp luật: các quan hệ tài chính công chịu sự điều chỉnh bởi các “luật công”, dựa trên các quy phạm pháp luật mệnh lệnh - quyền uy. Các quan hệ tài chính công là các quan hệ kinh tế nảy sinh gắn liền với việc tạo lập và sử dụng các quỹ công mà một bên của quan hệ là các chủ thể công.
Trong thực tiễn đời sống xã hội, hoạt động tài chính thể hiện ra như là các hoạt động thu, chi bằng tiền và gắn liền với việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định. Trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, gắn liên với sự hoạt động của các chủ thể trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau có các quỹ tiền tệ khác nhau được hình thành và sử dụng. Có thể kể như: quỹ tiền tệ của các hộ gia đinh, quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp, quỹ tiền tệ của các tổ chức bảo hiểm, quỹ tiền tệ của các tổ chức tín dụng, các quỹ tiền tệ công. Các quỹ tiền tệ công là một bộ phận của hệ thống các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế và có mối quan hệ hữu cơ đối với các quy tiền tệ khác đi liền với mối quan hệ ràng buộc, phụ thuốc giữa các chủ thể kinh tế - xã hội trong khi tham gia phân phối các nguồn tài chính.
Gắn với chủ thể là Nhà nước, các quỹ tài chính công được tạo lập và sử dụng gắn liền với quyền lực kinh tế và chính trị của Nhà nước và việc thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nói cách khác, các quỹ công là tổng số các nguồn lực tài chính đã được tập trung vào trong tay Nhà nước và được Nhà nước sử dụng cho việc thực hiện các sứ mệnh xã hội của mình.
Quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tài chính công chính là quá trình Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính thông qua các hoạt động thu, chi bằng tiền của tài chính công. Các hoạt động thu, chi bằng tiền đó là mặt biểu hiện bên ngoài của tài chính công; còn các quỹ tài chính công là biểu hiện nội dung vật chất của tài chính công.
Quá trình diễn ra các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành trên cơ sở các quy định do Nhà nước ban hành đã làm nảy sinh các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội. Đó chính là các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình Nhà nước tham gia phân phối và sử dụng các nguồn tài chính để tạo lập hoặc sử dụng các quỹ công. Các quan hệ kinh tế đó là mặt bản chất bên trong của tài chính công, biểu hiện nội dung kinh tế - xã hội của tài chính công.

1.3. Cơ cấu (phạm vi của tài chính công)
1.3.1. Ngân sách nhà nước
Ngân sách nhà nước là mắt khâu quan trọng nhất giữ vai trò chủ đạo trong tài chính công. Thu của ngân sách nhà nước được lấy từ mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau, trong đó thuế là nguồn thu chính. Chi tiêu của ngân sách nhà nước nhằm duy trì hoạt động, sự tồn tại của bộ máy nhà nước và phục vụ thực hiện các chức năng của Nhà nước. Ngân sách nhà nước là một hệ thống bao gồm các cấp ngân sách phù hợp với hệ thống chính quyền nhà nước các cấp ( bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách chính quyền cấp tỉnh và tương đương, ngân sách chính quyền cấp huyện và tương đương, ngân sách cấp xã và tương đương). Phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền nhà nước các cấp, quỹ ngân sách lại được chia thành nhiều phần nhỏ để sử dụng cho các lĩnh vực khác nhau, như: phần dung cho phát triển kinh tế; phần dùng cho phát triển văn hoá, giáo dục, y tế; phần dùng cho hoạt động của các lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Đặc trưng cơ bản của các quan hệ trong tạo lập và sử dụng ngân sách nhà nước là mang tính pháp lý cao gắn liền với quyền lực chính trị của Nhà nước và không mang tính hoàn trả trực tiếp.

1.3.2. Tín dụng nhà nước
Tín dụng nhà nước bao gồm cả hoạt động đi vay và cho vay của Nhà nước. Tín dụng nhà nước thường được sử dụng để hỗ trợ ngân sách nhà nước trong các trường hợp cần thiết. Thông qua hình thức tín dụng nhà nước, Nhà nước động viên các nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi trong xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn tài chính của các cấp chính quyền nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Việc thu hút các nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi qua con đường tín dụng nhà nước được thực hiện bằng cách phát hành Tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình, công trái quốc gia..trên thị trường tài chính.

1.3.3. Tài chính các cơ quan hành chính nhà nước
Các cơ quan hành chính nhà nước có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hành chính công cho xã hội. Các cơ quan này được phép thu một số khoản thu về phí và lệ phí nhưng số thu đó là không đáng kể. Do đó, nguồn tài chính đảm bảo cho các cơ quan hành chính hoạt động gần như là do ngân sách nhà nước cung cấp. Nguồn tài chính ở đây được sử dụng để duy trì sự tồn tại của bộ máy nhà nước và thực hiện các nghiệp vụ hành chính, cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc chức năng của cơ quan.

1.3.4. Tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập
Các đơn vị sự nghiệp công lập là các đơn vị thực hiện cung cấp các dịch vụ xã hội công cộng và các dịch vụ nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của nền kinh tế quốc dân. Hoạt động của các đơn vị này không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu mang tính phục vụ.
Do hoạt động mang tính chất phục vụ là chủ yếu, nên ở các đơn vị này số thu thường không lớn, không ổn định hoặc không có thu. Do đó, sự hình thành nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thường có sự xuất hiện của các nguồn: ngân sách nhà nước, đơn vị tự thu, nguồn khác. Cá biệt, có một số đơn vị sự nghiệp có số thu khá lớn, Nhà nước có thể cho các đơn vị này áp dụng chế độ tài tài chính riêng.

1.3.5. Các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước
Các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước là các quỹ tiền tệ tập trung do Nhà nước thành lập, quản lý và sử dụng nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho việc xử lý những biến động bất thường trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và để hỗ trợ thêm cho ngân sách nhà nước trong trường hợp khó khăn về tài chính.
Sự hình thành và phát triển các quỹ tài chính ngoài ngân sách là nhu cầu cần thiết khách quan bắt nguồn từ chính yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lỹ vĩ mô nền kinh tế. Sự cần thiết của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước nhằm mục đích:
- Huy động thêm các nguồn lực tài chính hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù ngân sách nhà nước là quỹ tài chính nhà nước lớn nhất, có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội; song do quy mô thu, chi ngân sách nhà nước luôn có giới hạn, trong khi nhu cầu của nền kinh tế, xã hội lại rất lớn nên trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh cụ thể, để thực hiện có hiệu quả các chức năng của mình nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế, Nhà nước cần phải huy động thêm các nguồn lực tài chính khác trong xã hội. Điều đó được thể hiện thông qua cách thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước;
- Tạo thêm công cụ phân phối lại GNP nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội trong phát triển. Mặc dù ngân sách nhà nước là công cụ quan trọng nhất trong phân phối lại GNP, nhưng trong những thời kỳ lịch sử nhất định, trong những hoàn cảnh cụ thể, chỉ bản thân công cụ ngân sách nhà nước không thể xử lý vấn đề một cách có hiệu quả cao nhất, đặc biệt là vấn đề công bằng trong phát triển. Trong những trường hợp đó, sự ra đời của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước sẽ cùng với ngân sách nhà nước tạo thành một bộ công cụ thực hiện có hiệu quả hơn chức năng phân phối lại GNP, thực hiện tốt hơn yêu cầu công bằng trong phát triển;
- Trợ giúp Nhà nước trong việc khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường và chuyển dần nền kinh tế quốc dân sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước một mặt giúp xử lý các tình huống bất thường nảy sinh do biến động của nền kinh tế (trong đó có những biến động do nguyên nhân của cơ chế thị trường), mặt khác cơ chế hoạt động của các quỹ này lại có tính chất đan xen gữa cơ chế quản lý nhà nước thuần tuý và cơ chế quản lý thị trường; do đó, là sự bổ sung quan trọng cho các cơ chế, chính sách khác trong quá trình chuyển đổi kinh tế.

1.3.6. Tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp là một bộ phận của hệ thống tài chính công. Tài chính doanh nghiệp là một hệ thống các quan hệ dưới hình thái giá trị phát sinh trong quá trình tạo lập và phân phối nguồn tài chính và quỹ tiền tệ, quá trình tạo lập và chu chuyển nguồn vốn của doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích sản xuất để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp có những đặc điểm sau:
- Hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn gắn liền và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
- Hoạt động của tài chính doanh nghiệp bị chi phối bởi tính chất sở hữu vốn trong mỗi doanh nghiệp;
- Hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn bị chi phối bởi mục tiêu lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp sử dụng vốn của Nhà nước còn phải phục vụ mục tiêu do Nhà nước đề ra.

1.4. Chức năng của tài chính công
Tài chính nói chung có hai chức năng cơ bản là chức năng phân phối và chức năng giám đốc. Tài chính công là một bộ phận cấu thành quan trọng của tài chính, có nét đặc thù là gắn với thu nhập và chi tiêu của Chính phủ. Do đó, chức năng của tài chính công cũng xuất phát từ hai chức năng của tài chính, đồng thời có mở rộng thêm căn cứ vào nét đặc thù của tài chính công.

1.4.1. Chức năng tạo lập vốn
Trong nền kinh tế thị trường, vốn tiền tệ là điều kiện và là tiền đề cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Thực ra, chức năng tạo lập vốn là một khâu tất yếu của quá trình phân phối, nên khi nói về chức năng của tài chính nói chung, người ta thường không tách riêng ra thành một chức năng. Tuy nhiên, đối với tài chính công, vấn đề tạo lập vốn có sự khác biệt với tạo lập của các khâu tài chính khác, nó giữ vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phân phối. Vì vậy, có thể tách ra thành một chức năng riêng biệt.
Chủ thể của quá trình tạo lập vốn là Nhà nước. Đối tượng của quá trình này là các nguồn tài chính trong xã hội do Nhà nước tham gia điều tiết. Đặc thù của chức năng tạo lập vốn của tài chính công là quá trình này gắn với quyền lực chính trị của Nhà nước. Nhà nước sử dụng quyền lực chính trị của mình để hình thành các quỹ tiền tệ của mình thông qua việc thu các khoản có tính bắt buộc từ các chủ thể kinh tế, xã hội.

1.4.2. Chức năng phân phối và chức năng phân bổ
Chủ thể phân phối và phân bổ là Nhà nước với tư cách là người nắm giữ quyền lực chính trị. Đối tượng phân phối và phân bổ là các nguồn tài chính công tập trung trong ngân sách nhà nước và các quỹ tiền tệ khác, cũng như thu nhập của các pháp nhân và thể nhân rong xã hội mà Nhà nước tham gia điều tiết.
Thông qua chức năng phân phối, tài chính công thực hiện sự phân chia nguồn lực tài chính công giữa các chủ thể thuộc Nhà nước, các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh tế với Nhà nước trong việc thực hiện chức năng vốn có của Nhà nước, chức năng phân phối của tài chính công nhằm mục tiêu công bằng xã hội. Tài chính công, đặc biệt ngân sách nhà nước được sử dụng làm công cụ để điều chỉnh thu nhập của các chủ thể trong xã hội thông qua thuế và chi tiêu công.
Cùng với phân phối, tài chính công còn thực hiện chức năng phân bổ. Thông qua chức năng này, các nguồn lực tài chính công được phân bổ một cách có chủ đích theo ý chí của Nhà nước nhằm thực hiện sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong điều kiện chuyển từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, chức năng phân bổ của tài chính công được vận dụng có sự lựa chọn, cân nhắc, tính toán, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm đạt hiệu quả phân bổ cao.

1.4.3. Chức năng giám đốc và điều chỉnh
Với tư cách là một công cụ trong tay Nhà nước, Nhà nước vận dụng chức năng giám đốc và điều chỉnh của tài chính công để kiểm tra đối với quá trình vận động của các nguồn tài chính công và điều chỉnh quá trình đó theo các mục tiêu mà Nhà nước đề ra. Chủ thể của quá trình giám đốc và điều chỉnh là Nhà nước. Đối tượng của quá trình giám đốc và điều chỉnh là quá trình vận động của các nguồn tài chính công.
Chức năng điều chỉnh của tài chính công được thực hiện trên cơ sở các kết quả của chức năng giám đốc, là sự tác động có ý chí của Nhà nước nhằm điều chỉnh các bất hợp lý trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ thuộc tài chính công.

No comments:

Post a Comment