Tuesday, May 24, 2016

Câu 16: Các vấn đề về lập dự toán ngân sách nhà nước



Câu 16: Các vấn đề về lập dự toán ngân sách nhà nước

1.1. Khái niệm
Chu trình ngân sách nhà nước là quá trình hoạt động của ngân sách từ khi bắt đầu hình thành cho đến khi kết thúc để chuyển sang ngân sách của năm tài chính mới.
Theo chu trình thì việc lập dự toán là khâu mở đầu nhằm xác định các mục tiêu, nhiệm vụ động viên nguồn lực cho ngân sách và phân phối các nguồn lực đó.
Như vậy, lập dự toán ngân sách thực chát là lập kế hoạch (dự toán) các khoản thu chi của ngân sách trong một năm ngân sách (hoặc trong một giai đoạn ngân sách dự kiến). Kết quả của khâu này là dự toán ngân sách được các cấp có thẩm quyền quyết định.

1.2. Mục tiêu của lập dự toán ngân sách nhà nước
- Phù hợp với những chính sách và các ưu tiên mà Nhà nước đã lựa chọn. Ngân sách nhà nước không chỉ đơn thuần là bảng tổng hợp thu chi của Nhà nước trong một giai đoạn cụ thể mà còn là tấm gương phản ánh các chính sách, chương trình hành động của Nhà nước trong giai đoạn đó;
- Đảm bảo tính hiệu quả trong chi tiêu ngân sách. Tính hiệu quả phải được xem xét một cách toàn diện ở cả mặt hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội. Tuy nhiên trong thực tế, để đánh giá đúng và đầy đủ hiệu quả của chi tiêu ngân sách là một việc không hề đơn giản bởi không phải mọi khoản chi tiêu ngân sách đều đạt được cả hai mặt trên và có tác động như mong muốn. Nêu ra vấn đề này để thấy rằng đôi khi trong lập dự toán ngân sách, phải lựa chọn thứ tự ưu tiên giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội để phù hợp với từng hoàn cảnh và thời điểm cụ thể;
- Làm tăng hiệu quả hoạt động của khu vực công. Do bản chất là một kế hoạch sử dụng quỹ tiền tệ phục vụ cho hoạt động của Nhà nước nên một khi dự toán ngân sách phản ánh được đầy đủ các chương trình, dự án, hành động của Nhà nước, tính toán đầy đủ các khoản chi tiêu để tránh bị động trong thực hiện; gắn chi tiêu với kết quả và đầu ra của các chương trình.

1.3. Phương pháp lập dự toán
Khuôn khổ kinh tế vĩ mô là điểm khởi đầu của việc lập dự toán ngân sách. Việc lập dự toán ngân sách trong khuôn khổ kinh tế vĩ mô, dựa trên các giả định thực tế, không tính quá cao các chỉ tiêu về thu ngân sách, không tính quá tháp các khoản chi tiêu bắt buộc là hết sức quan trọng để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch ngân sách.
Lập dự toán ngân sách hàng năm được thực hiện như sau:
- Cách tiếp cận từ trên xuống dưới, bao gồm: xác định tổng thể các nguồn lực sẵn có cho chi tiêu công cộng trong khuôn khổ kinh tế vĩ mô; chuẩn bị thông tư hướng dẫn lập ngân sách; hình thành số kiểm tra về thu, chi cho các bộ, các địa phương, đơn vị phù hợp với chính sách ưu tiên của Nhà nước.; thông báo số kiểm tra cho các bộ, địa phương, đơn vị;
- Cách tiếp cận từ dưới lên, bao gồm: các bộ, địa phương, đơn vị đề xuất ngân sách của mình trên cơ sở các hướng dẫn ở trên;
- Trao đổi, đàm phán, thương lượng: đàm phán ngân sách giữa các bộ, đơn vị với cơ quan tài chính là quá trình rất quan trọng để xác định dự toán ngân sách cuối cùng trình lên cơ quan lập pháp trên cơ sở đạt được sự nhất quán giữa mục tiêu và nguồn lực sẵn có.

1.4. Căn cứ lập dự toán
Để dự toán ngân sách thật sự trở thành công cụ hữu ích trong điều hành ngân sách, lập dự toán ngân sách phải căn cứ vào các nhân tố chủ yếu sau:
- Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng nói chung và nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác ở trung ương và địa phương;
- Căn cứ vào phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước;
- Chính sách, chế độ thu ngân sách; tỷ lệ % phân chia các khoản thu và mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới; chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách;
- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách. Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc lập dự toán ngân sách; Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoach và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân các cấp;
- Số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước;
- Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước của các năm trước, đặc biệt là năm báo cáo.

1.5. Chấp hành ngân sách nhà nước
Chấp hành ngân sách nhà nước là khâu tiếp theo sau khi dự toán ngân sách đã được phê duyệt. Đó là quá trình sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, tài chính và hành chính nhằm biến các khoản thu, chi trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm trở thành hiện thực.

1.5.1. Mục tiêu của việc chấp hành ngân sách nhà nước
- Biến các chỉ tiêu thu, chi ghi trong kế hoạch ngân sách năm từ khả năng, dự kiến thành hiện thực. Từ đó góp phần thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạc phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước;
- Kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn về kinh tế và tài chính;
- Đối với quản lý ngân sách nhà nước, chấp hành ngân sách nhà nước là khâu trọng tâm có ý nghĩa quyết định đến một chu trình ngân sách.

1.5.2. Nội dung tô chức chấp hành ngân sách nhà nước
Tổ chức chấp hành ngân sách nhà nước bao gồm tổ chức thu ngân sách nhà nước và tổ chức chi ngân sách nhà nước.
- Trên cơ sở nhiệm vụ thu cả năm được giao và nguồn thu dự kiến phát sinh trong quý, cơ quan thu lập dự toán ngân sách quý chi tiết theo khu vực kinh tế, địa bàn và đối tượng thu chủ yếu, gửi cơ quan tài chính cuối quý trước. về nguyên tắc, toàn bộ các khoản thu của ngân sách nhà nước phải nộp trực tiếp vào Kho bạc nhà nước, trừ một số khoản cơ quan thu có thể thu trực tiếp song phải định kỳ nộp vào Kho bạc theo quy định;
- Tổ chức chi ngân sách nhà nước bao gồm các khâu:
+ phân bổ và giao dự toán chi ngân sách: các đơn vị dự toán cấp I sau khi nhận được dự toán của cấp trên giao, tiến hành phân bổ và giao dự toán chi ngân sách cho các
đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Dự toán chi ngân sách bao gồm dự toán chi thường xuyên và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản;
+ lập nhu cầu chi quý: trên cơ sở dự toán năm được giao, các đơn vị sử dụng ngân sách lập nhu cầu chi ngân sách quý (có chia ra tháng) chi tiết theo các nhóm mục chi gửi Kho bạc nhà nước và cơ quan tài chính cuối quý trước để phối hợp thực hiện chi trả cho đơn vị.
Cơ chế kiểm soát ngân sách trong quá trình chấp hành: Luật Ngân sách nhà nước quy định chỉ có cơ quan thuế và các cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thu mới được phép thu ngân sách nhà nước. Toàn bộ các khoản thu ngân sách phải được nộp vào Kho bạc, hạn chế đến mức thấp nhất qua người trung gian. Chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có có điều kiện sau: đã có trong dự toán, đúng chế độ chuẩn mực, được thủ trưởng đơn vị quyết định chi.

1.6. Quyết toán ngân sách
1.6.1. Khái niệm, mục đích
Quyết toán ngân sách là khâu cuối cùng của một chu trình ngân sách. Đó là việc tổng kết, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động thu, chi ngân sách trong một năm ngân sách, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về quản lý điều hành thu chi trong năm ngân sách đã qua của đơn vị minh cho các cơ quan quản lý cấp trên và các chủ thể khác có liên quan.
Mục đích của việc quyết toán ngân sách là nhằm đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động thu, chi ngân sách; từ đó rút ra ưu, nhược điểm và bài học kinh nghiệm.

1.6.2. Phương pháp lập quyết toán
Quyết toán ngân sách nhà nước thường được thực hiện theo phương pháp lập từ cơ sở, tổng hợp từ dưới lên. Với phương pháp này cho phép công tác lập quyết toán được thực hiện đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan với tình hình hoạt động thu, chi ngân sách.

1.6.3. Yêu cầu đối với báo cáo quyết toán ngân sách
- Số liệu báo cáo quyết toán phải trung thực, chính xác, đầy đủ. Nội dung báo cáo phải theo đúng các nội dung ghi trong dự toán được giao (hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép) và chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước;
- Số liệu trên sổ kế toán của đơn vị phải bảo đảm cân đối và khớp đúng với chứng từ thu, chi ngân sách của đơn vị và số liệu của cơ quan tài chính, Kho bạc về tổng số và chi tiết;
- Mẫu báo cáo quyết toán phải theo quy định của Bộ Tài chính.

No comments:

Post a Comment