Tuesday, May 24, 2016

Câu 5: Cơ chế kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế



Câu 5: Cơ chế kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế


1.1. Cơ chế kinh tế
1.1.1. Khái niệm
Cơ chế là một thuật ngữ chỉ sự diễn biến nội tại của một hệ thống, trong đó có sự tương tác giữa các yếu tố hợp thành hệ thống trong quá trình vận động của mỗi yếu tố đó, nhờ đó hệ thống có thể vận hành, phát triển.
Thuật ngữ cơ chế được áp dụng vào lĩnh vực kinh tế gọi là cơ chế kinh tế. Vì vậy, cơ chế kinh tế là sự diễn biến nội tại của hệ thống kinh tế trong quá trình phát triển, trong đó có sự tương tác giữa các bộ phận, các yếu tố cấu thành của kinh tế trong quá trình vận động của các yếu tố cấu thành, tạo nên sự vận động và phát triển của cả hệ thống kinh tế.

1.1.2. Các yếu tố cấu thành và sự tương tác giữa chúng
- Quan hệ và lực lượng sản xuất: quan hệ này phù hợp thì lực lượng sản xuất phát triển. Cả hai mặt quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nhau;
- Các ngành kinh tế trong tổng thể nền KTQD;
- Tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất xã hội: việc tổ chức sản xuất tạo tiền đề cho khoa học công nghệ phát triển. Đến lượt nó, khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy và là then chốt để củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất.

1.1.3. Ý nghĩa của việc nhận thức cơ chế kinh tế đối với nhà quản lý
Nhận thức này mở ra cho nhà quản lý hướng tác động vào đối tượng quản lý ở một số bộ phận, một số khâu nhất định. Theo đó, có thể tạo ra sự lan truyền tự động, có tính hệ thống trong nội bộ đối tượng quản lý mà không cần nhà quản lý tác động vào mọi khâu của hệ thống đó. Chẳng hạn, tác động vào QHSX để phát triển LLSX, tác động vào nông nghiệp để thúc đẩy công nghiệp phát triển, tác động vào khâu tổ chức sản xuất để làm cho khoa học và công nghệ phát triển.

1.2. Cơ chế quản lý kinh tế
1.2.1. Khái niệm
         Theo nghĩa hẹp của từ cơ chế, cơ chế quản lý kinh tế là sự tương tác giữa các phương thức, biện pháp quản lý kinh tế khi chúng đồng thời tác động lên đối tượng quản lý. Nó cũng có thể được hiểu như là sự diễn biến của quá trình quản lý, trong đó có sự tác động của từng biện pháp quản lý lên đối tượng, những kết quả tích cực và tiêu cực sẽ xảy ra sau mỗi biện pháp đó, sự khắc phục các mặt tiêu cực mới phát sinh bằng các biện pháp song hành như thế nào? với quan niệm hẹp này, cơ chế quản lý kinh tế bao gồm các nguyên tắc, phân phối, biện pháp quản lý, các công cụ được sử dụng đồng thời trong quá trình tác động lên đối tượng quản lý.

       Theo nghĩa rộng, cơ chế quản lý kinh tế cũng có thể được hiểu đồng nghĩa với phương thức quản lý mà qua đó Nhà nước tác động vào nền kinh tế.

1.2.2. Các bộ phận cấu thành cơ chế quản lý kinh tế
- Cơ chế của đối tượng quản lý, tức cơ chế kinh tế;
- Cơ chế của chủ thể quản lý, tức cơ chế quản lý theo nghĩa hẹp.
      Thông qua cách nhìn toàn diện này giúp người quản lý có thể thấy được rằng, hành vi quản lý chỉ là khâu khởi đầu, phần còn lại chính là sự tự vận hành của đối tượng theo cơ chế nội tại của nó. Cơ chế quản lý bao gồm cả cơ chế khách quan và chủ quan, khách thể và chủ thể trong sự tương tác lẫn nhau.

No comments:

Post a Comment