Tuesday, May 24, 2016

Câu 19: Những nội dung cơ bản của lập ngân sách theo kết quả đầu ra



Câu 19: Những nội dung cơ bản của lập ngân sách theo kết quả đầu ra

1. Giới thiệu về lập ngân sách theo kết quả đầu ra
Trong quản lý chi tiêu công có các phương thức lập ngân sách, đó là phương thức lập ngân sách theo khoản mục, lập ngân sách theo công việc thực hiện, lập ngân sách theo chương trình và lập ngân sách theo kết quả đầu ra.

1.1. Lập ngân sách theo khoản mục
Đối với phương thức lập ngân sách theo khoản mục, chi tiêu ngân sách được khoản mục hoá. Những khoản mục này luôn được chi tiết và định rõ khoản chi tiêu cho từng tiểu mục chi. Với phương thức này, các cơ quan, đơn vị phải chi tiêu theo đúng khoản mục quy định và cơ chế trách nhiệm giải trình tập trung vào các yếu tố đầu vào.
Lập ngân sách chi tiêu công theo khoản mục có ưu điểm là đơn giản và kiểm soát chi tiêu dễ dàng bằng việc so sánh với các năm trước thông qua việc ghi chép chi tiết các yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, phương thức này bộc lộ những nhược điểm như chỉ nhấn mạnh đến khâu lập ngân sách với các khoản chi tiêu có tính chất tuân thủ mà Nhà nước đưa ra; sự phân phối nguồn lực tài chính không trả lời được câu hỏi tại sao lại chi tiêu cho việc đó; ngân sách chỉ được lập trong thời gian ngắn hạn là 1 năm; không chú trọng đúng mức đến tính hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và hiệu quả hoạt động trong việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ công.

1.2. Lập ngân sách theo công việc thực hiện
Lập ngân sách theo công việc thực hiện phân bổ nguồn lực theo những khối lượng hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở gắn kết công việc với chi phí bỏ ra. Lập ngân sách theo công việc thực hiện cho phép ngân sách được xây dựng không gia tăng thêm mà dựa vào khối lượng công việc được dự đoán trước. Đây là phương thức thể hiện sự thay đổi từ quy trình lập ngân sách dựa vào kiểm soát chi tiêu đến việc lập ngân sách dựa trên cơ sở những quan tâm về hiệu quả quản lý.
Tuy nhiên, phương thức này cũng bộc lộ những hạn chế như không chú trọng đúng mức đến những tác động hay ảnh hưởng dài hạn của chính sách. Mặt khác, lập ngân sách theo công việc thực hiện được thiết kế hướng vào thực hiện tất cả các mục tiêu trong khi nguồn lực là có giới hạn nên nó đã không quan tâm đúng mức đến tính hiệu quả của chi tiêu ngân sách nhà nước.

1.3. Lập ngân sách theo chương trình
Lập ngân sách theo chương trình tập trung vào sự lựa chọn của ngân sách trong số các chính sách, chương trình có tính cạnh tranh. Lập ngân sách theo chương trình thiết lập một hệ thống phân phối nguồn lực, gắn kết chi phí chương trình với kết quả của những chương trình đầu tư công. Đây là phương thức lập ngân sách đòi hỏi các mục tiêu chương trình phải kéo dài hơn một năm ngân sách. Bên cạnh đó việc lập ngân sách theo chương trình yêu cầu phải đo lường tính hiệu quả, nghĩa là đo lường đầu ra và tác động đến mục tiêu.
Lập ngân sách theo chương trình cũng bộc lộ những hạn chế như không thể tạo ra chương trình cho tất cả các cơ quan, đơn vị thực hiện; không đảm bảo gắn kết việc thiết lập chương trình công với kế hoạch chi tiêu thường xuyên để sử dụng nguồn lực tài chính công hiệu quả. 

1.4. Lập ngân sách theo kết quả đầu ra
Lập ngân sách theo kết quả đầu ra là một công cụ vô cùng quan trọng trong quản lý chi tiêu công, tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đạt được kết quả mong muốn.
Lập ngân sách theo kết quả đầu ra là phương thức lập ngân sách dựa trên cơ sở tiếp cận thông tin đầu ra để phân bổ và đánh giá sử dụng nguồn lực tài chính nhằm hướng vào đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển đất nước.

2. Đặc điêm của phương thức lập ngân sách theo kết quả đầu ra
- Ngân sách được lập theo tính chất mở, công khai, minh bạch;
- Các nguồn tài chính của Nhà nước được tổng hợp toàn bộ trong dự toán ngân sách nhà nước;
- Ngân sách được lập theo thời gian trung hạn;
- Ngân sách được lập căn cứ theo nhu cầu thực tế, hướng tới người thụ hưởng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội;
- Ngân sách được hợp nhất giữa kế hoạch chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển;
- Ngân sách được lập dựa trên nguồn lực được tính trong thời gian trung hạn và do vậy cần có sự cam kết chặt chẽ;
- Việc phân bổ ngân sách dựa trên thứ tự ưu tiên chiến lược;
- Cơ quan quản lý được trao nhiều trách nhiệm hơn trong quản lý chi tiêu công.
Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra có tầm quan trọng đặc biệt khi những quyết định về tài chính được phân cấp từ trung ương đến địa phương. Nó tạo ra mối liên kết giữa các mục tiêu, chính sách của Nhà nước và việc khoán kinh phí từ trung ương cho các địa phương được phân cấp; các nguồn lực được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra nhằm mục đích:
- Tăng cường quản lý, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan ở khu vực đạt được mục tiêu của mình thông qua khung kế hoạch, quản lý và hoạt động rõ ràng;
- Gắn các yếu tố đầu vào thuộc nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác với kết quả đầu ra dự kiến để đạt được mục tiêu và giúp cho việc phân bổ nguồn lực thể hiện được những ưu tiên;
- Tập trung vào kết quả đầu ra chính và các ưu tiên chính hơn là thực hiện các hoạt động hoặc quy trình.

3. Vai trò (ý nghĩa) của phương thức lập kế hoạch theo kế quả đầu ra
- Góp phần đổi mới chính sách quản lý nguồn lực tài chính trong khu vực công, nhằm thiết lập ba vấn đề trong quản lý chi tiêu công là : tôn trọng kỷ luật tài chính tổng thể; phân bổ có hiệu quả nguồn lực tài chính theo những chiến lược ưu tiên; nâng cao hiệu quả trong quản lý chi tiêu công;
- Đặt Nhà nước vào vị trí để đảm bảo rằng: các đầu ra theo yêu cầu để được tài trợ phải xác định rõ ràng sẽ đóng góp gì cho kết quả; các đầu ra theo yêu cầu để được tài trợ phải xác định rõ khối lượng, chất lượng và giá cả cụ thể; các đầu ra hướng tới mục tiêu và được cung cấp trong phạm vi thời gian yêu cầu;
- Tăng cường các nguyên tắc quản lý tài chính của khu vực công với mục tiêu là cải thiện sự phân phối và quản lý nguồn lực, cũng như tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước;
- Cho phép nhà quản lý ngân sách có được những thông tin hữu ích nhằm xác định những kết quả mong muốn; những gì nên làm và những gì sẽ được làm ra; kiểm tra được sự liên quan giữa đầu vào và đầu ra của quá trình chi tiêu công; xác định nguồn lực tài trợ cho các đầu ra ưu tiên để đạt được kết quả mong muốn.

No comments:

Post a Comment