Tuesday, May 24, 2016

Câu 3: Khái niệm quản lý nhà nước về kinh tế và sự cần thiết khách quan của quản lý nhà nước về kinh tế



Câu 3: Khái niệm quản lý nhà nước về kinh tế và sự cần thiết khách quan của quản lý nhà nước về kinh tế


1.1. Khái niệm
Quản lý nhà nước về kinh tế là sự tác động có tổ chức bằng pháp quyền và thông qua một hệ thống các chính sách, với các công cụ quản lý kinh tế lên nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đất nước đã đặt ra trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực kinh tế trong nước và ngoài nước trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Quản lý nhà nước về kinh tế là một dạng của quản lý xã hội của Nhà nước. Nó rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng rất phức tạp. Nhà nước quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân trên tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế, các lãnh thổ kinh tế, các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế hoạt động trong toàn bộ nền kinh tế.
Quản lý nhà nước về kinh tế là quản lý ở tầm vĩ mô, giải quyết những quan hệ vĩ mô có liên quan đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nhà nước không can thiệp, không giải quyết những vấn đề quản lý sản xuất kinh doanh nội bộ của các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế.
1.2. Sự cần thiết khách quan của quản lý nhà nước về kinh tế
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường có điều tiết - nền Kinh tế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế chịu sự điều tiết của thị trường và chịu sự điều tiết (sự quản lý) của Nhà nước. Sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là cần thiết khách quan bởi vì những lý do sau:
- Thứ nhất, phải khắc phục những hạn chế của việc điều tiết của thị trường, bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Sự điều tiết của thị trường đối với sự phát triển kinh tế thật diệu kỳ nhưng vẫn có những hạn chế. Thị trường không phỉa là nơi có thể đạt được sự hài hoà trong phân phối thu nhập, trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, trong việc phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền.. Cùng với đó, thị trường cũng không thể khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường, những mặt trái của thị trường đã nêu ở trên. Tất cả điều đó không phù hợp và cản trở việc thực hiện đầy đủ những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Cho nên trong quá trình vận hành kinh tế, sự quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cần thiết để khắc phục những hạn chế, bổ sung chỗ hổng của sự điều tiết của thị trường;
- Thứ hai, bằng quyền lực, chính sách và sức mạnh kinh tế của mình; Nhà nước phải giải quyết những mâu thuẫn lợi ích kinh tế phổ biến, thường xuyên và cơ bản trong nền kinh tế.
Trong quá trình hoạt động kinh tế, con người có mối quan hệ với nhau. Lợi ích kinh tế là biểu hiện cụ thể của mối đó. Mọi thứ mà con người phấn đấu đều liên quan đến lợi ích của mình. Trong nền kinh tế thị trường, mọi đối tác đều hướng đến lợi ích kinh tế riêng của mình, nhưng số lượng kinh tế lại có hạn và không thể chia đều cho mọi người nên xảy ra sự tranh giành về lợi ích và từ đó phát sinh những mâu thuẫn về lợi ích. Trong nền kinh tế thị trường tồn tại những mâu thuẫn cơ bản sau:
+ mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp với nhau trên thương trường;
+ mâu thuẫn giữa chủ và thợ trong các doanh nghiệp;
+ mâu thuẫn giữa giới sản xuất - kinh doanh với cộng đồng.
Ngoài ra còn nhiều mâu thuẫn khác nữa với nhau như mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa cá nhân, công dân với Nhà nước; giữa các địa phương với nhau; giữa các ngành, các cấp....
- Thứ ba, tính khó khăn phức tạp của sự nghiệp kinh tế. Để bắt đầu thực hiện bất kỳ sự nghiệp kinh tế nào cũng cùng phải có những điều kiện chủ quan và khách quan tương ứng: ý chí, tri thức, phương tiện, môi trường.. Không phải tất cả những ai muốn bắt đầu thực hiện sự nghiệp kinh tế cũng đều có tất cả các điều kiện nêu trên, do đó cần sự can thiệp của Nhà nước để hỗ trợ việc bắt đầu thực hiện sự nghiệp kinh tế;
- Thứ tư, tính giai cấp trong kinh tế và bản chất giai cấp của Nhà nước. Nhà nước bao giờ cũng đại diện lợi ích của giai cấp thống trị nhất định, trong đó có lợi ích kinh tế. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đại diện cho lợi ích dân tộc và nhân dân. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Nhà nước xác định và quản lý chỉ đạo cũng nhằm mục đích đem lại lợi ích vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa với nước ngoài, không phải lúc nào lợi ích cũng được phân chia hài hoà giữa các giai cấp. Vì vậy xuất hiện xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh trong quá trình hoạt động kinh tế. Trong cuộc đấu tranh đó, Nhà nước đã thể hiện bản chất giai cấp của mình để bảo vệ lợi ích của dân tộc và của nhân dân.

No comments:

Post a Comment