Tuesday, May 24, 2016

Câu 14: Mối quan hệ giữa cải cách hành chính và cải cách tài chính công



Câu 14: Mối quan hệ giữa cải cách hành chính và cải cách tài chính công

1.1. Cải cách tài chính công trong xu thế cải cách hành chính
Cải cách hành chính nhà nước là quá trình chuyển đổi từ nền hành chính theo cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung sang nền hành chính của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó nhằm hình thành và xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá; hoạt động có hiệu quả, hiệu lực theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức, phẩm chất và năng lực phù hợp, đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phục vụ nhân dân.
Trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, thực tế đã cho thấy, chúng ta chỉ có thể thực hiện cải cách hành chính thành công khi tiến hành đồng thời với việc cải cách tài chính công. Thông qua hoạt động thu, chi bằng tiền của Nhà nước, tài chính công phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với các chủ thể kinh tế - xã hội khác trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước nhằm thực hiện đúng các chức năng vốn có của mình. Hiệu quả của quản lý tài chính công vừa phản ánh năng lực của bộ máy nhà nước, vừa có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm hoạt động của các cơ quan trong bộ máy này. Từ nhận thức đó, cải cách tài chính công trở thành một nội dung quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính ở nước ta.
Mối quan hệ giữa cải cách hành chính với cải cách tài chính công được thể hiện ở:
- Việc thực thi hoạt động của bộ máy nhà nước gắn liền với cơ chế tài chính hỗ trợ cho các hoạt động đó;
- Việc phân cấp quản lý hành chính phải tương ứng với sự phân cấp quản lý kinh tế và phân cấp quản lý tài chính công để đảm bảo kinh phí cho hoạt động có hiệu quả ở mỗi cấp;
- Bản thân mỗi cấp chính quyền đều phải có trách nhiệm và quyền hạn nhất định trong quản lý tài chính công ở phạm vi cấp mình;
- Các thể chế về quản lý tài chính công có tác dụng chi phối hoạt động của các cơ quan nhà nước theo mong muốn của Nhà nước;
- Quy mô và cơ chế chi tiêu tài chính công, đặc biệt là trả lương cho đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước có tác động quan trọng đến việc phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ công chức trong công việc;
- Nhà nước thực hiện giám sát bằng tiền đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

1.2. Nội dung của cải cách tài chính công
- Thứ nhất: đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chỉ đạo của ngân sách trung ương; đồng thời phát huy tính tích cực chủ động, năng động sáng tạo và trách nhiệm của địa phương cũng như các ngành trong việc điều hành tài chính và ngân sách;
- Thứ hai: đảm bảo quyền quyết định ngân sách địa phương của Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động xử lý các công việc của địa phương; quyền quyết định của các Bộ, Sở, Ban, Ngành về phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; quyền chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt phù hợp với chế độ, chính sách;
- Thứ ba: trên cơ sở phân biệt rõ cơ quan hành chính với tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công, thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính, xoá bỏ chế độ cấp kinh phí căn cứ vào kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chỉ tiêu theo mục tiêu của cơ quan hành chính, đổi mới hệ thống định mức chi tiêu đơn giản hơn, tăng quyền chủ động cho cơ quan sử dụng ngân sách;
- Thứ tư: đổi mới cơ bản chế độ tài chính đối với khu vực dịch vụ công:
+ xây dựng quan niệm đúng về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ đều do cơ quan nhà nước trực tiếp đảm nhận. Trong từng lĩnh vực cần xác định rõ những công việc mà Nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần phải chuyển để cho các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhiệm. Nhà nước có các chính sách, cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhân dân trực tiếp làm các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước;
+ xoá bỏ cơ chế cấp phát tài chính theo kiểu xin - cho; ban hành cơ chế, chính sách thực hiện chế độ tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có điều kiện như các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu. trên cơ sở xác định nhiệm vụ phải thực hiện, mức hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và phân còn lại do các đơn vị tự trang trải.
- Thứ năm: thực hiện thí điểm để áp dụng rộng rãi một số cơ chế tài chính mới như:
+ cho thuê đơn vị sự nghiệp công, cho thuê đất để xây dựng trường học, bệnh
viện;
+ khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề, đại học, trên đại học, cơ sở chữa bệnh có chất lượng cao; khuyến khích liên doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực này;
+ thực hiện một số cơ chế khoán một số dịch vụ công cộng như vệ sinh đô thị; cấp, thoát nước; cây xanh; công viên, nước.;
+ thực hiện cơ chế hợp đồng một số dịch vụ công trong cơ quan hành chính.
- Thứ sáu: đổi mới công tác kiểm toán đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, xoá bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công, tát cả các chỉ tiêu tài chính đều được công khai.
Những nội dung cải cách tài chính công được trình bày ở trên có tác động trực tiếp đến hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, làm tăng tính tự chủ của các đơn vị gắn với sự chủ động về tài chính; tạo ra cơ chế tài chính khuyến khích các đơn vị chi tiêu có hiệu quả, hướng vào kết quả đầu ra và tiết kiệm ngân sách, trên cơ sở đó tăng thu nhập cho người lao động. Đó chính là những động lực thúc đẩy các cơ quan trong bộ máy nhà nước đổi mới về tổ chức, phương hướng hoạt động và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; làm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính ở nước ta.

No comments:

Post a Comment