Tuesday, May 24, 2016

Câu 13: Các vấn đề về quản lý tài chính công



Câu 13: Các vấn đề về quản lý tài chính công

1.1. Khái niệm quản lý tài chính công
Quản lý tài chính công là hoạt động của các chủ thể quản lý tài chính công thông qua việc sử dụng có chủ đích các phương pháp và công cụ quản lý để tác động và điều khiển hoạt động của tài chính công nhằm đạt được các mục tiêu đã định.
Thực chất của quản lý tài chính công là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, điều hành và kiểm soát hoạt động thu chi của Nhà nước nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

1.2. Đặc trưng của quản lý tài chính công
Trong hoạt động quản lý, các nội dung về: chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, công cụ và phương pháp quản lý, môi trường mục tiêu quản lý là những yếu tố trung tâm đòi hỏi phải được xác định đúng đắn. Quản lý tài chính công là một nội dung của quản lý tài chính và là một mặt của quản lý xã hội nói chung; do đó, trong quản lý tài chính công, các vấn đề kể trên cũng là các vấn đề cần được nhận thức đầy đủ.

1.2.1. Chủ thể quản lý tài chính công
Chủ thể quản lý tài chính công là Nhà nước hoặc cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ công. Chủ thể trực tiếp quản lý tài chính công là bộ máy tài chính trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

1.2.2. Đối tượng của quản lý tài chính công
Đối tượng của quản lý tài chính công là các hoạt động tài chính công. Đó là các hoạt động thu chi bằng tiền của Nhà nước, hoạt động tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ công diễn ra trong các bộ phận cấu thành tài chính công.

1.2.3. Phương pháp quản lý tài chính công
- Phương pháp tổ chức được sử dụng để thực hiện ý đồ của chủ thể quản lý trong việc bố trí, sắp xếp các mặt hoạt động tài chính công theo những khuôn mẫu đã định và thiết lập bộ máy quản lý phù hợp với các mặt hoạt động đó;
- Phương pháp hành chính được sử dụng khi các chủ thể quản lý tài chính công muốn các đòi hỏi của mình phải được các khách thể quản lý tuân thủ một cách vô điều kiện. Đó là khi các chủ thể quản lý ra các mệnh lệnh hành chính;
- Phương pháp kinh tế được sử dụng thông qua việc dùng các lợi ích vật chất để kích thích tính tích cực của các khách thể quản lý, tức là tác động đến các tổ chức và cá nhân đang tổ chức cá nhân đang tổ chức các hoạt động quản lý tài chính công.

1.2.4. Công cụ quản lý tài chính công
Hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính công được sử dụng để quản lý và điều hành các hoạt động tài chính công được xem như một loại công cụ quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong quản lý tài chính công, các công cụ pháp luật được sử dụng để thể hiện dưới các dạng cụ thể là chính sách, cơ chế quản lý tài chính; các chế độ quản lý tài chính, kế toán, thống kê; các định mức, tiêu chuẩn về tài chính; mục lục ngân sách nhà nước.
Cùng với pháp luật, hàng loạt các công cụ phổ biến khác được sử dụng trong quản lý tài chính công như: các chính sách kinh tế tài chính; kiểm tra, thanh tra, giám sát; các tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý tài chính công. . Ngoài ra còn các công cụ mang tính hữu hình như dự trữ quốc gia, bảo hiểm xã hội.
Mỗi công cụ kể trên có đặc điểm khác nhau và được sử dụng theo các cách khác nhau nhưng đều nhằm cùng một nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính công nhằm đạt được mục tiêu đã định.

1.3. Mục tiêu quản lý tài chính công
Mục tiêu xuyên suốt xác định trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 là từng bước xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.
Mục tiêu cụ thể, trước mắt cần:
- Bảo đảm phân bổ nguồn lực tài chính của Nhà nước một cách có hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội;
- Thông qua chức năng phân phối lại, quản lý tài chính công hướng đến đảm bảo công bằng xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội;
- Bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô trên cơ sở ban hành và thực thi các chính sách tài khoá phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn nhất định.
Để thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ xác định trong trong Chiến lược tài chính đến năm 2020, ngành Tài chính đã xác định ba khâu đột phá. Đó là:
- Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
- Thực hiện tái cơ cấu nền tài chính quốc gia;
- Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hoá công nghệ quản lý, đặc biệt là công nghệ thông tin.

1.4. Nguyên tắc quản lý tài chính công
1.4.1. Nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là nguyên tắc hàng đầu trong quản lý tài chính công. Điều này được thể hiện ở quản lý ngân sách nhà nước, quản lý các quỹ tài chính nhà nước và quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.
Tập trung dân chủ đảm bảo cho các nguồn lực của xã hội, của nền kinh tế được sử dụng tập trung và phân phối hợp lý.
Các khoản thu, chi trong quản lý tài chính công phải được bàn bạc thực sự công khai nhằm đáp ứng các mục tiêu vì lợi ích chung của cộng đồng.

1.4.2. Nguyên tắc hiệu quả
Nguyên tắc hiệu quả là nguyên tắc quan trọng trong quản lý tài chính công. Hiệu quả trong quản lý tài chính công được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
Khi thực hiện các nội dung chi tiêu công, Nhà nước luôn hướng tới việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu trên cơ sở lợi ích của toàn thể cộng đồng. Ngoài ra, hiệu quả về kinh tế cũng là thước đo quan trọng để Nhà nước cân nhắc khi ban hành các chính sách và các quyết định liên quan đến chi tiêu công.
Hiệu quả về xã hội là tiêu thức rất cần quan tâm trong quản lý tài chính công. Mặc dù rất khó định lượng, song những lợi ích của xã hội luôn được đề cập, cân nhắc thận trọng trong quá trình quản lý tài chính công.
Hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế là hai nội dung quan trọng phải được xem xét đồng thời khi hình thành một quyết định, hay một chính sách chi tiêu ngân sách.

1.4.3. Nguyên tắc thống nhất
Thống nhất quản lý theo những văn bản pháp luật là nguyên tắc không thể thiếu trong quản lý tài chính công.
Thống nhất quản lý chính là việc tuân thủ theo một quy định chung từ việc hình thành, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, thanh quyết toán, xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện nguyên tắc quản lý thống nhất sẽ đảm bảo tính bình đẳng, công bằng, bảo đảm hiệu quả, hạn chế những tiêu cực và những rủi ro khi quyết định các khoản chi tiêu công.

1.4.4. Nguyên tắc công khai minh bạch
Công khai minh bạch trong động viên, phân phối các nguồn lực tài chính công là nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo cho việc quản lý tài chính công được thực hiện thống nhất và hiệu quả.
Thực hiện công khai minh bạch trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát các quyết định về thu, chi trong quản lý tài chính công, hạn chế những thất thoát và đảm bảo hiệu quả của những khoản thu, chi tiêu công.

No comments:

Post a Comment