Tuesday, May 24, 2016

Câu 2: Những vấn đề về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam



Câu 2: Những vấn đề về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam


1.1. Khái niệm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế này, các quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng không chỉ chịu sự điều tiết của các quy luật thị trường mà còn chịu sự tác động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một phương thức vận hành kinh tế, phương thức tổ chức vận hành kinh tế được Nhà nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở học tập những kinh nghiệm quản lý kinh tế của chủ nghĩa tư bản có chọn lọc và có điều chỉnh, và trên cơ sở giáo dục đạo đức kinh doanh, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng sự phát triển nền kinh tế theo con đường không tư bản chủ nghĩa, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cho cộng đồng và người lao động có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nó không chỉ quan tâm đến phát triển lực lượng sản xuất mà còn giải quyết những vấn đề chính trị - xã hội, môi trường, tạo sự phát triển bền vững.
Quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bắt nguồn từ sự đổi mới trong kinh tế, chuyền nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện của một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, vừa mới ra khỏi cuộc chính trị; sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; sự chuyển hoá của thế giới từ đối đầu sang đối thoại. Trong bối cảnh lịch sử đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như là một đường lối kinh tế để hướng sự phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
1.2. Những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng mang những đặc trưng của nền kinh tế thị trường chung và nền kinh tế thị trường hiện đại đã nêu trên.
Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội quy định quá trình phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tổng quát: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; cụ thể là:
1.2.1. về mục tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội
- Làm cho dân giàu, mà biểu hiện cụ thể là GDP/đầu người tăng nhanh và bền vững, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng được thu hẹp;
- Làm cho nước mạnh, thể hiện ở mức đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước, ở sự gia tăng ngành kinh tế mũi nhọn, ở sự sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia, ở sự bảo vệ môi sinh, môi trường, tạo mọi điều kiện cho khoa học - công nghệ phát triển, ở khả năng thích ứng của nền kinh tế trong mọi tình huống bất trắc;
- Làm cho xã hội công bằng, văn minh thể hiện ở cách xử lý các quan hệ lợi ích ngay trong nội bộ kinh tế thị trường đó, ở việc đóng góp to lớn vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, ở việc cung ứng các hàng hoá và dịch vụ có giá trị không chỉ về kinh tế mà còn có giá trị cao về văn hoá.
1.2.2. Về mục tiêu chính trị
Làm cho xã hội dân chủ, biểu hiện ở chỗ dân chủ hoá nền kinh tế, mọi người, mọi thành phần kinh tế có quyền tham gia vào hoạt động kinh tế, vào sản xuất - kinh doanh, có quyền sở hữu về tài sản của mình; quyền của người sản xuất và tiêu dùng được bảo vệ trên cơ sở pháp luật của Nhà nước.
1.2.3. Về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bao gồm nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế.
Các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, trong đó chế độ sở hữu công cộng (công hữu) về tư liệu sản xuất chủ yếu được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng xong về cơ bản.
Từ các hình thức sở hữu nêu trên sẽ hình thành nền nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
1.2.4. Về cơ chế vận hành kinh tế
Cơ chế vận hành nền kinh tế trước tiên phải là cơ chế thị trường để đảm bảo phân bổ hợp lý các lợi ích và nguồn lực, kích thích phát triển các tiềm năng kinh doanh và các lực lượng sản xuất, tăng hiệu quả và tăng năng suất lao động xã hội. Đồng thời có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế trên cơ sở học tập, vận dụng kinh nghiệm quản lý kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa có chọn lọc, điều chỉnh cơ chế kinh tế, giáo dục đạo đức kinh doanh phù hợp; thống nhất điều hành, điều tiết và hướng sự vận hành nền kinh tế cả nước theo đúng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
1.2.5. Về hình thức phân phối
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức phân phối đan xen, vừa thực hiện nguyên tắc phân phối của kinh tế thị trường, vừa thực hiện nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội. Trong đó, ưu tiên phân phối theo lao động, theo vốn, theo tài năng và hiệu quả; đồng thời đảm bảo sự phân phối công bằng và hạn chế bất bình đẳng xã hội.
1.2.6. Về nguyên tắc giải quyết các mặt, các mối quan hệ chủ yếu
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải kết hợp ngay từ đầu giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, bảo đảm giải phóng lực lượng sản xuất, xây dựng lực lượng sản xuất mới kết hợp với củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, quan hệ quản lý tiên tiến của nền kinh tế thị trường nhằm phục vụ cho phát triển sản xuất và công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; giữa phát triển sản xuất với từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; giải quyết các vấn đề như xã hội, việc làm, đói nghèo; vấn đề bảo đảm y tế, giáo dục; vấn đề ngăn chặn các tệ nạn xã hội; đảm bảo công bằng xã hội..
1.2.7. về tính cộng đồng, tính dân tộc
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính cộng đồng cao, phát triển có sự tham gia của cộng đồng và vì lợi ích của cộng đồng; gắn bó với cộng đồng trên cơ sở hài hoà lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng; hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội giàu có đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, công bằng, dân chủ, văn minh, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.
1.2.8. về quan hệ quốc tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa vào phát huy tối đa nguồn lực trong nước và triệt để tranh thủ nguồn lực nước ngoài theo phương châm “Kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại” và sử dụng chung một cách hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất để phát triển nền kinh tế đất nước với tốc độ nhanh, hiện đại và bền vững.
1.3. Những giải pháp đê phát triên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Muốn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp chủ yếu sau đây:
1.3.1. Thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần
Thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ là một trong những điều kiện cơ sở để thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển, nhờ đó mà sử dụng có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế.
Cùng với việc đổi mới, củng cố kinh tế Nhà nước và kinh tế hợp tác, việc thừa nhận và khuyến khích các thành phần kinh tế cá thể, tư nhân phát triển là nhân thức quan trọng về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. Theo hướng đó mà khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và các hình thức kinh tế hỗn hợp khác đều được khuyến khích phát triển theo hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật; tuy vị trí, quy mô, tỷ trọng, trình độ có khác nhau nhưng tất cả đều là nội lực của nèn kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
1.3.2. Mở rộng phân công lao động, phát triên kinh tế vùng, lãnh thô, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường
Phân công lao động là cơ sở của việc trao đổi sản phẩm. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hoá, cần phải mở rộng phân công lao động xã hội, phân bố lại lao động và dân cư trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, từng vùng theo hướng chuyên môn hoá, hợp tác hoá nhằm khai thác mọi nguồn lực, phát triển nhiều ngành nghề, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có và tạo việc làm cho người lao động.
Cùng với mở rộng phân công lao động xã hội trong nước, phải tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài nhằm gắn phân công lao động trong nước với phân công lao động quốc tế, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Nhờ đó mà thị trường trong nước từng bước được mở rộng, tiềm năng về lao động, tài nguyên, cơ sở vật chất hiện có được khai thác có hiệu quả.
Cần phải tiếp tục phát triển mạnh thị trường hàng hoá và dịch vụ, hình thành thị trường sức lao động có tổ chức quản lý chặt chẽ đất đai và thị trường nhà cửa; xây dựng thị trường vốn, từng bước phát triển nền kinh tế.

No comments:

Post a Comment